30 phút tập thể lực mỗi ngày cho chất lượng sống tốt hơn

10.000 bước đi bộ hoặc duy trì ít nhất 30 phút rèn luyện thể lực mỗi ngày giúp bạn có chất lượng sống tốt hơn nhờ bảo vệ đươc tim mạch, ngăn chặn nguy cơ ung thư, đái tháo đường.
Đi bộ 6.000-10.000 bước mỗi ngày cho tim khỏe mạnh /// Ảnh: Ngọc Thắng

Đi bộ 6.000-10.000 bước mỗi ngày cho tim khỏe mạnh

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tim mạch hiện là gánh nặng tử vong lớn nhất ở Việt Nam. Ước có 31% (năm 2016) số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do các bệnh về tim mạch.
Báo cáo điều tra quốc gia năm 2015, cứ 5 người trưởng thành VN thì có một người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường.
Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung có nguyên nhân quan trọng do lối sống và sự chủ quan của người VN như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, xanh, cây; dinh dưỡng không hợp lý mà đặc biệt là ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực, lười rèn luyện thể chất; chưa chú trọng kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm.
Theo các điều tra tại VN mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4 g (cao hơn gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trung bình một người VN tiêu thụ khoảng 46,5 g đường/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25 g/ngày theo khuyến cáo của WHO.

Giảm ăn muối, đường và đi bộ nhiều hơn

WHO cũng đã xây dựng gói can thiệp bệnh tim mạch (Heart) và khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, áp dụng trong dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Gói can thiệp này đưa ra chiến lược nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm.
WHO khuyến cáo, người dân nên đi bộ từ 6.000 – 10.000 bước chân hoặc hoạt động thể lực 30 phút mỗi ngày, giúp giảm 30% nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Vận động thể lực giúp tăng cường cơ, xương, ổn định đường huyết, huyết áp, giúp sức khỏe tinh thần sảng khoái hơn, dễ ngủ, giấc ngủ sâu, tăng sức đề kháng. Hoạt động thể lực giúp giảm 30% nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, béo phì, ung thư, đái tháo đường…).
Rèn luyện thể lực 30-60 phút mỗi ngày giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh mạn tính Ảnh: Ngọc Thắng

Rèn luyện thể lực 30-60 phút mỗi ngày giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh mạn tính

Ảnh: Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, mỗi người nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn ít muối, đường, tăng cường rau sạch, hạn chế chất béo, áp dụng chế độ ăn cân bằng cho sức khỏe.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, rau và quả chín: nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày/người.Chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày/người (gần bằng một thìa cà phê). Chất béo cần đảm bảo một tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật và chất béo thực vật. Khẩu phần hằng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên quá 60%. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; tăng cường vận động mỗi ngày, không để thừa cân béo phì.

10.000 bước đi bộ hoặc 30 phút hoạt động thể lực

Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình Sức khỏe người Việt, với hàng loạt các hoạt động truyền thông về lối sống tích cực (dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực với việc đi bộ, chơi thể thao)… trong cộng đồng để giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với dinh dưỡng hợp lý, nếu mỗi người đi 10.000 bước mỗi ngày, và thường xuyên đi bộ giúp kiểm soát trọng lượng đạt mức chuẩn, tâm trạng thoải mái, tăng cường hệ thống tuần hoàn sẽ giúp tim thêm khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: huyết áp cao, đột qụy, tiểu đường và một số ung thư.
Cơ thể sẽ thay đổi tích cực nếu bạn đi bộ từ 6.000 – 10.000 bước mỗi ngày hoặc có hoạt động thể lực phù hợp luyện thể lực 30-60 phút/ngày. Hoạt động thể lực vừa sức khiến cho nhịp thở của bạn nhanh hơn, ô xy được chuyển đến trái tim nhanh hơn giúp tim thêm khỏe mạnh. Rèn luyện thể lực, đi bộ giúp duy trì chỉ số cơ thể phù hợp; tăng cường hệ thống tuần hoàn bảo vệ cơ bắp, chống loãng xương; Tăng cường chuyển hóa, giảm cholesterone xấu.
CHIA SẺ