Vì sao có người gầy nhưng ăn mãi không tăng cân?

Lý do vì sao người gầy ăn mãi không tăng cân?

Lý giải điều này, lương y Quốc Trung cho hay nguyên nhân duy nhất là do quá trình hấp thu thức ăn của cơ thể.

“Thức ăn vào cơ thể sẽ qua rất nhiều quá trình. Đầu tiên là quá trình chuyển hóa, ví dụ tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường, chất đạm thành các axit amin, chất béo thành các axit béo. Những cấu trúc đơn giản ấy sẽ được cơ thể hấp thu qua hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là ruột non. Dạ dày co bóp làm nhỏ thức ăn, đến ruột non thức ăn sẽ được hấp thu ở các mao mạch của ruột.

Hệ thống emzym – men tiêu hóa sẽ là chất xúc tác để chuyển hóa thức ăn. Nếu men tiêu hóa không đủ, cơ thể sẽ không thể hấp thụ được thức ăn. Đó chính là lý do bạn không thể tăng cân”, lương y Vũ Quốc Trung giải thích.

Vì vậy khi cơ thể bị gầy dù đã được duy trì một chế độ ăn khoa học, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn, điều trị của bác sĩ. Để khắc phục tình trạng kém hấp thu của cơ thể, trong tây y, bác sĩ sẽ giúp bạn bổ sung các vitamin, khoáng chất dưới dạng viên tổng hợp, axit amin.

Còn trong đông y cũng có rất nhiều vị thuốc tốt, như mạch nha, hạt đậu trắng nảy mầm, sơn tra (táo mèo phơi khô), thần khúc,… Chúng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng một cách toàn vẹn nhất.

“Nếu cơ thể hấp thụ dinh dưỡng như đúng bản chất của nó, chuyện tăng cân không hề khó”, lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ. Ông Trung cũng đưa ra lời khuyên hàng ngày bạn cần nạp năng lượng vào cơ thể cao hơn lượng calorie bị tiêu hao do các hoạt động đơn giản như như hô hấp, tim đập…

Mỗi độ tuổi, thể trạng, tình trạng sống và làm việc sẽ có những nhu cầu năng lượng nhất định. Chẳng hạn người làm việc chân tăng cần tăng về chất đường bột, làm việc trí óc lại thiên về chất đạm, trẻ con có nhu cầu lớn về sữa, đậu, súp,…

Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo việc tăng cân cũng chỉ nên có giới hạn nhất định, không nên lạm dụng bởi có thể dẫn tới béo phì – nguyên nhân gây rất nhiều căn bệnh nguy hiểm hiện nay như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…

Ngược lại với người gầy, có nhiều người rất béo dù ăn rất ít, thậm chí không ăn, đa phần trong độ tuổi trung niên. Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa. Điều này không thể xem thường.

Ví dụ khi bị rối loạn chất đường bột sẽ gây tiểu đường, rối loạn chất béo gây tim mạch, rối loạn chất đạm gây gout… Các rối loạn này thường gặp ở người cao tuổi vì các chức năng của cơ thể lúc này bị suy yếu.

Bên cạnh đó theo Bác sĩ Minh Nguyệt “Một số nguyên nhân hay gặp như nhiễm giun sán, hoặc bị một số bệnh về dạ dày, ruột là nơi tiêu hóa, hấp thu thức ăn làm cản trở hấp thu dưỡng chất, do bị stress hoặc một số bệnh toàn thân khác cũng làm cản trở hấp thu…

Nếu loại trừ hết các nguyên nhân trên, các bác sĩ sẽ đánh giá lại khẩu phần ăn của bạn xem bạn đang nạp bao nhiêu năng lượng/ngày, khẩu phần đã cân đối, hợp lý hay chưa để giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn phù hợp giúp bạn tăng cân”, bác sĩ cho biết.

Do đó thay vì ăn “vô tội vạ”, nghe theo sự truyền miệng thì hãy gặp bác sĩ để có chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối các nhóm dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng có 3 nhóm chất quan trọng bao gồm bột đường, chất đạm và chất béo.

Bên cạnh đó, vitamin và khoáng chất cũng khá quan trọng đối với cơ thể. Vì thế, trong các bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần chủ động và ý thức việc cân đối đủ 4 nhóm chất này, bởi thiếu hụt bất cứ thành phần nào cũng đều khiến cơ thể trở nên thiếu năng lượng.

Ngoài ra, chúng ta phải ngủ đủ giấc, sinh hoạt lành mạnh, tinh thần thoải mái, và chú ý đến các nguyên tắc có thể giúp hấp thụ thức ăn vào cơ thể đúng và nhanh chóng hơn.

Một số lý do khiến ăn nhiều không tăng cân

1. Không chăm có hệ tiêu hóa

Không phải cứ ăn nhiều là sẽ béo. Cho dù bạn ăn nhiều mà hệ tiêu hoá của bạn làm việc kém hiệu quả thì việc tăng cân cũng rất khó xảy ra.

Khi chúng ta ăn quá nhiều, hệ tiêu hoá phải làm việc quá tải, dễ gây thiếu hụt lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột khiến cho việc hấp thụ dinh dưỡng không hiệu quả. Vì vậy mà người gầy càng khó tăng cân, không những thế còn dễ bị ốm vặt, hay mắc các bệnh như cảm, cúm…

Các bạn nên chú ý hơn đến việc chăm sóc hệ tiêu hoá. Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, đúng giờ, đủ bữa, chúng mình hãy bổ sung thêm các vi khuẩn có lợi bằng các thực phẩm như sữa chua, phô mai tươi…

2. Uống quá ít nước

Ai cũng biết nước là thành phần chủ yếu của cơ thể và nó vô cùng cần thiết trong việc duy trì hoạt động của các cơ quan, bao gồm cả hệ tiêu hoá. Khi được cung cấp đủ nước, hệ tiêu hoá mới làm việc tốt, đồng thời giúp cơ thể lọc bỏ các chất thải, chất thừa ra ngoài, nhờ đó chúng ta mới có thể tăng cân một cách lành mạnh.

Ngược lại, việc bạn không uống đủ nước đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến sự vận hành của các bộ phận, khiến việc tăng cân diễn ra một cách khó khăn.

3. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng

Nhiều người nghĩ rằng, cứ ăn nhiều các món chứa chất béo, đường, tinh bột là sẽ tăng cân. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể tăng cân dễ dàng và lành mạnh, chúng ta cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ 5 nhóm dưỡng chất cần thiết bao gồm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

Chính vì thế, đừng mải tập trung ăn quá nhiều các món đường bột, dầu mỡ, điều đó thậm chí còn có thể gây hại cho cơ thể của bạn nữa cơ. Thay vào đó, nhớ bổ sung đầy đủ các thực phẩm, từ rau củ quả, thịt cá, trứng sữa… để đảm bảo đủ dinh dưỡng nhé.

4. Ngủ không đủ giấc

Thiếu ngủ đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể nói riêng và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ nói chung. Khi bạn ngủ không đủ, nghĩa là các cơ quan không được nghỉ ngơi, hoạt động đương nhiên cũng giảm sút.

Điều này khiến cho việc hấp thu chất dinh dưỡng bị ngưng trệ. Chưa kể tới việc thiếu ngủ còn khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, chuyện tăng cân đương nhiên là rất khó rồi.

CHIA SẺ