Béo phì tăng nhanh – thấp còi giảm chậm

Có tới gần 42% học sinh tiểu học ở khu vực thành thị bị thừa cân béo phì. Đối nghịch lại là hơn 20% trẻ em ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa bị thấp còi, gầy còm. 

Thừa cân béo phì gia tăng, thấp còi giảm chậm đang trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng cho trẻ em ở Việt Nam, không chỉ gây ra nhiều hệ lụy nguy hại về sức khỏe mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển thể chất và tầm vóc của trẻ trong tương lai.

Ăn uống bất hợp lý

Mặc dù đã vào lớp 3 nhưng em Nguyễn Thanh Hùng (9 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) xanh xao, thấp còi như học sinh lớp 1 với cân nặng chưa đầy 20kg. Sau khi được người thân đưa tới phòng khám, tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hùng được bác sĩ chẩn đoán bị suy dinh dưỡng, còi xương do cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng.

Mẹ của bé Hùng cho biết, dù gia đình luôn cố gắng cho con ăn uống đủ bữa nhưng vì nhà nghèo nên bữa ăn không đủ chất, đồng thời Hùng lại lười ăn và thường xuyên đau ốm…

Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng nhiều trẻ em ở nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa bị thấp còi, gầy gò, suy dinh dưỡng không còn phổ biến nhưng vẫn khá nhiều. Hầu hết gia đình các em không có điều kiện về kinh tế nên việc ăn uống, bổ sung các chất dinh dưỡng rất hạn chế.

Ngược lại, trẻ em lứa tuổi học đường đô thị lại trong tình trạng thừa cân béo phì gia tăng rất nhanh chỉ vì ăn uống quá nhiều chất và bất hợp lý. Nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại 75 trường thuộc 25 xã, phường ở Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm tới 41,9%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 17,8%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi, gầy còm của trẻ em nông thôn lại cao hơn nhiều so với trẻ em thành thị. Học sinh trung học cơ sở nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, gầy còm lên tới 15,6%, còn học sinh thành thị chỉ là hơn 3%.

beo phi tang nhanh thap coi giam cham thehinhchannel

Hoạt động thể dục thể thao giúp trẻ cải thiện tình trạng sức khỏe

Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đối với học sinh ở thành phố thường có khẩu phần ăn nhiều chất béo, đạm động vật nhưng lại thiếu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C. Hơn nữa, chế độ ăn uống, sinh hoạt như thường xuyên ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, sử dụng nhiều đồ uống ngọt và đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Nhiều hệ lụy

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì không chỉ khiến trẻ em gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày mà đáng lo hơn cả là nguy cơ gia tăng các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, hẹp tắc động mạch chi, ngừng thở khi ngủ.

Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, không chỉ thường có sức khỏe không tốt, sức đề kháng kém mà sự phát triển về thể chất, tầm vóc cũng bị hạn chế. Tệ hơn, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi còn làm giảm năng suất lao động khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Để giải quyết nghịch lý trên, nhằm mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt, đòi hỏi cần có một chiến lược cải thiện dinh dưỡng và khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ em ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

PGS – TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo, với trẻ thừa cân béo phì, gia đình và nhà trường cần thường xuyên theo dõi chế độ dinh dưỡng, tình trạng khẩu phần ăn của học sinh để kiểm soát chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của trẻ. Cho trẻ sử dụng thực phẩm hợp lý, nhiều chất xơ, tăng cường rau quả, ăn ít chất béo, bổ sung các loại vi chất cần thiết, tăng hoạt động thể lực ít nhất 60 phút một ngày và giảm thời gian tĩnh của trẻ, đặc biệt cần hạn chế tối đa thời gian xem tivi, điện thoại, iPad đối với trẻ.Còn để khắc phục suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần phải bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng cho trẻ là biện pháp hiệu quả, giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng. Hơn nữa, để phòng ngừa trẻ bị thấp còi cần được dự phòng bằng các chăm sóc dinh dưỡng bắt đầu từ giai đoạn bà mẹ trước và trong khi mang thai đến khi trẻ sinh ra.

Theo đó, trước, trong khi mang thai, bà mẹ cần được bổ sung viên sắt, acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung protein và năng lượng cân bằng. Trẻ khi sinh ra cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, đồng thời bổ sung các vi chất như: vitamin A, sắt và kẽm…  đầy đủ cho trẻ trong suốt quá trình phát triển.

Theo TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, để đảm bảo chế độ ăn của trẻ tiểu học và trung học cơ sở phong phú, đa dạng, cân đối, cần khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống hợp lý và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay trong giai đoạn này.

CHIA SẺ