17 C
Hà Nội
Thứ Năm, Tháng Mười Hai 12, 2024
Tranh cãi quy định tập thể thao mang tính khiêu dâm

Tranh cãi quy định tập thể thao mang tính khiêu dâm

Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng văn hóa Việt Nam không giống như văn hóa nước ngoài nên không thể rõ thế nọ thế kia. Nếu quy định chi tiết thì khi xử phạt rất khó

Nghị định 46/2019/NĐ-CP (Nghị định 46) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. Theo nghị định này, hành vi tập luyện thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Tranh cãi quy định tập thể thao mang tính khiêu dâm - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho biết qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như yoga đã xuất hiện yoga khỏa thân, thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như “suối nguồn tươi trẻ”. Những hoạt động như thế không phù hợp thuần phong, mỹ tục. Hay như môn dance sports cũng có những hình thức tập luyện không đúng hoặc cả môn thi đấu võ MMA hiện chưa được cấp phép ở Việt Nam nhưng vẫn lén lút tổ chức.

Quy định nhưng không phạt?

Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có nhiều quy định mang tính răn đe, nhiều cái rất khó quy định chi tiết. Có phóng viên hỏi về quy định trang phục như thế nào? Xin thưa, rất khó quy định hở hang dài, ngắn. Văn hóa Việt Nam không giống như văn hóa nước ngoài nên không thể rõ thế nọ thế kia. Nếu quy định chi tiết thì khi xử phạt rất khó. “Có những quy định đưa vào để răn đe là chính chứ không phải để xử phạt. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL phải đưa vào nghị định để có cơ sở thanh tra, kiểm tra, xử lý nếu vi phạm” – ông Phúc nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng Thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam, những giải đấu môn bơi lội, thể dục nghệ thuật, khiêu vũ thể thao… đã có những quy định rất cụ thể không chỉ về trang phục mà còn về động tác. Vận động viên (VĐV) không được để lộ nội y hoặc khi dựng bài cho VĐV thì các HLV phải xây dựng động tác không mang tính gợi dục, thiếu văn hóa, tuyệt đối không có động tác giơ ngón tay lên, giả động tác bắn súng. Những quy định này cũng khá giống với nội dung Nghị định 46. Tuy nhiên, ở một số môn như thể dục dụng cụ, thể hình, bơi lội hay bóng chuyền bãi biển thì trang phục rất đặc thù, không thể nói VĐV vi phạm nghị định.

Cần giải thích rõ

Một nữ VĐV quốc gia môn khiêu vũ thể thao chia sẻ: “Các bài biểu diễn của môn này thường mang tính chất phô diễn vẻ đẹp hình thể, nhiều động tác gợi cảm, khỏe khoắn và cả tình tứ, lãng mạn giữa nam và nữ VĐV theo chủ đề biểu diễn. Trang phục hay một số động tác trong khiêu vũ thể thao với nhiều người chỉ đơn thuần là vẻ đẹp hình thể, nhưng cũng có thể bị quy là khiêu dâm nếu không hiểu đúng bản chất”.

HLV Trương Minh Sang, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam, cho rằng dư luận xôn xao là đúng vì mọi người chưa xem văn bản hướng dẫn kèm theo để giải thích rõ ràng. Khi cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định thì thường có văn bản hướng dẫn thực hiện kèm theo. Nhiều người chưa xem văn bản hướng dẫn nên chưa hiểu cụ thể.

“Khi ban hành quy định, cơ quan nhà nước phải đưa ra văn bản hướng dẫn kèm theo để nói rõ hở hang bao nhiêu % da thịt, lộ ra bao nhiêu % phần ngực… được xem là vi phạm. Cần phải nói rõ thế nào là khêu gợi, khiêu dâm trong thể thao vì mỗi bộ môn đều có tính chất đặc thù. Nghị định 46 gây xôn xao bởi có thể còn một số câu chữ khá mơ hồ, thiếu sự rõ ràng, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện. Theo quan điểm tôi, sự ra đời của Nghị định 46 không thừa bởi thực tế một số người tập bán chuyên nghiệp khi đến phòng gym đã cố tình biến tấu trang phục, cố tình để lộ hàng, gây hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Còn với những VĐV chuyên nghiệp, nếu mặc trang phục quá hở hang sẽ bị trọng tài trừ điểm lúc thi đấu hoặc nếu thái quá, thậm chí còn bị cấm thi đấu ở giải đấu đó” – HLV đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam nói và cho rằng cần phải có văn bản giải thích rõ để các VĐV chuyên nghiệp chỉ được phép mặc những bộ quần áo phục vụ nghề nghiệp trong lúc tập luyện, thi đấu tránh gây mất mỹ quan đô thị và không tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.

Nói tục khi chơi thể thao: Phạt 15-20 triệu đồng

Nghị định 46 cũng quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao; phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận. Hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

CHIA SẺ