Chàng vận động viên thể hình vực dậy sau tai nạn

Sáu năm trước, Đặng Thanh Tùng 33 tuổi nhập viện do tai nạn, chấn thương đầu, cột sống, bể gót chân, bác sĩ khuyên “nên dừng sự nghiệp thể hình”. 

Tùng là vận động viên thể hình quốc gia, tập gym từ năm 2001 vì hâm mộ lực sĩ Phạm Văn Mách và Lý Đức. Anh ao ước có cơ bắp chắc khỏe nên tham gia một câu lạc bộ thể hình. Lúc đó gym chưa phổ biến. Anh chủ yếu tự tập, không dùng thực phẩm bổ sung nên phải hai năm sau, cơ thể mới bắt đầu có cơ, múi, cân nặng tăng từ 55 lên 63 kg, tự tin mặc quần áo đúng phom người.

Năm 2003, Tùng theo một vận động viên chuyên nghiệp và học lại từ đầu các kỹ năng tập, bài tập chuyên nghiệp, áp dụng chế độ ăn chuẩn. Hai năm sau, Tùng vô địch giải thể hình TP HCM hạng cân 65 kg và huy chương vàng vô địch châu Á. Hầu như năm nào cũng có huy chương vàng, cứ thi đấu là có mang về, là thời kỳ đỉnh cao của anh.

Năm 2012, tai nạn ập đến khiến chàng trai 27 tuổi đối mặt với việc giã từ sự nghiệp. Tùng phải nằm điều trị tại nhà hơn một tháng bất động. Để di chuyển, anh phải bò vì không thể đứng thẳng người.

“Thời gian đó tôi suy sụp, nghĩ đến tương lai mà thấy mịt mù nhưng trong lòng day dứt”, Tùng nói. “Thú thực, bỏ thể hình thì tôi chẳng biết làm gì nữa”.

Ai là vận động viên thể hình cũng ước mơ được lọt top 5 và đi bài, biểu diễn trên nền nhạc để khoe cơ bắp mà mình đã kì công tạc hơn ba tháng mới có được, Tùng nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Ai là vận động viên thể hình cũng ước mơ được lọt top 5 và đi bài, biểu diễn trên nền nhạc để khoe cơ bắp mà mình đã kỳ công tạc hơn ba tháng mới có được”, Tùng nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ra viện, Tùng tập tễnh đến phòng tập vì “nhớ”. Biết không cản được chồng, vợ và gia đình vẫn động viên, ủng hộ. Anh lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng để cơ thể làm quen lại. Nửa năm sau, cơ thể phục hồi 90 %, anh quyết định nâng tạ trở lại.

“Tôi không biết phải kể thế nào mới nói hết được những khó khăn trong thời gian đó. Nhưng, tôi tin sự trở lại lần này sẽ ý nghĩa và không khiến mọi người thất vọng”, anh nói.

Năm 2014, anh tham gia Đại hội thể hình toàn quốc 4 năm một lần. Đây là giải đấu nhiều vận động viên mong ước. “Đời vận động viên có mấy lần 4 năm. Mình bỏ lỡ một lần và phải đợi 12 năm rồi”, Tùng kể.

Theo Tùng, đẹp trong thể hình đòi hỏi sự cân đối, tỷ lệ các bộ phận tay chân, vai, lưng phải đều, nhìn bắt mắt. Độ to cơ bắp phù hợp, không quá lớn và lệch nhau. Đặc biệt, vận động viên thể hình phải tập luyện, ăn kiêng để có độ khô, độ nét của cơ được rõ ràng. Trong đó, ăn kiêng chiếm đến 70 %.

Khi tập, phải lắng nghe cơ thể để biết khuyết điểm của bản thân và lên kế hoạch tập luyện. Với Tùng, anh tăng cường bài tập cho ngực nhiều hơn do phần ngực bị lõm. Trong tuần, số buổi tập ngực cũng được ưu tiên hơn. Ngoài ra, anh không nên tập dồn dập mà quan sát kỹ thay đổi cơ thể, siết chặt để lượng mỡ ít nhất, lộ gân như tạc tượng mới. Lựa chọn điểm rơi vào lúc đẹp nhất cũng là lúc thi đấu.

Năm 2014, Tùng tham gia đào tạo, huấn luyện các vận động viên trẻ. Theo anh, việc dạy học cũng là cách anh trau dồi kiến thức về nghề.

Khi biểu diễn, bạn sẽ được bôi lớp dầu để hiện rõ cơ bắp và đường gân trên cơ thể. Càng rõ nét càng đẹp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vận động viên thể hình có cơ bắp và đường gân cơ thể càng rõ nét càng đẹp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện tại, Tùng duy trì chế độ dinh dưỡng riêng và không ăn chung với gia đình bởi chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với các vận động viên. “Đối với những người mới tập, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về món ăn, cách chế biến, nên ăn gì, không nên ăn gì. Đây là điều khó khăn nhất nhưng vượt qua thì coi như thành công 7, 8 phần”, anh nói.

Trong quá trình tập luyện, người tập còn bị chững cân, không tăng, không giảm. Đây cũng là lúc gây chán nản và uể oải kể cả với người tập lâu năm. Do đó, muốn theo đuổi bộ môn lâu dài, nên học kiên trì và nhẫn nại thì mới có kết quả như ý muốn. Thời gian rảnh, anh cùng bạn bè xem lại video thi đấu để rút kinh nghiệm và hoàn thiện ở mùa giải sau.

“Điều đặc biệt bộ môn này là không giới hạn độ tuổi tham dự nên cứ còn phong độ thì Tùng sẽ tham gia thi đấu. Tùng không đặt nặng vấn đề huy chương, quan trọng nhất khi thi đấu phải hết mình”.

CHIA SẺ