Trẻ thành thị thừa 200% đạm, 130% béo nhưng lại thiếu vitamin, thiếu vận động, dẫn đến nhiều trẻ thừa cân, béo phì.
Thời gian gần đây, tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng nhanh và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm chậm. Làm cách nào khống chế tình trạng này?
Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khảo sát trên hơn 5.000 học sinh các cấp học tại Hà Nội, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Nghệ An và TP.HCM, giải đáp những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì bằng giảm tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo, sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo
Thừa chất đạm, chất béo, thiếu vitamin, thiếu vận động
Qua khảo sát của Viện Dinh dưỡng, học sinh tiểu học ở cả thành thị và nông thôn đã đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, trong đó mức đáp ứng tại thành thị là hơn 112% và nông thôn là 101%.
Tuy nhiên, điều giật mình là mức đáp ứng về đạm (protein) và chất béo (lipid) đều cao hơn nhiều so với nhu cầu khuyến nghị ở cả khu vực nông thôn và thành thị, với mức đáp ứng chung là hơn 190% đối với protein và 125% đối với lipid.
Đặc biệt, trẻ thành thị đang bị thừa rất nhiều đạm (205% so với nhu cầu) và chất béo (133% so với nhu cầu).
Trong khi đó, khảo sát tình hình sử dụng gần 20 loại vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng cần thiết thì cũng thật bất ngờ, hầu hết lại không đạt so với nhu cầu của trẻ. Chỉ có vitamin B1, B2 và C đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị, các vitamin còn lại bao gồm vitamin A, D đều chưa đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị, đặc biệt mức đáp ứng vitamin D là rất thấp, chỉ đạt 17,5% cho cả 2 vùng.
Về hoạt động thể lực, khảo sát cũng cho thấy có tới 1/3 học sinh THCS hoạt động thể lực ở mức thấp; với nhóm học sinh tiểu học, tỉ lệ này tương đương 1/4 các cháu được khảo sát.
Trong khi thời gian ngồi máy tính, xem tivi khá cao: với học sinh tiểu học thì thời gian ngồi máy tính, xem tivi vượt mức khuyến nghị (2 giờ/ngày) trong các ngày nghỉ; với học sinh THPT và THCS, thời gian ngồi tĩnh tại vượt khuyến nghị trong cả các ngày thường.
Thừa năng lượng nhưng lại thiếu vận động thể lực cũng là một trong những căn nguyên gây thừa cân béo phì.
Chống dịch béo phì, bằng cách nào?
Khác với giai đoạn trước, các bậc cha mẹ lo lắng thừa cân béo phì xuất hiện chỉ ở thành thị, thì hiện nay tình trạng này cũng khá phổ biến ở nông thôn.
Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng ăn nhiều đồ ngọt là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì. Tuy nhiên, theo GS Phan Thị Kim – chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: “Có nhiều tranh cãi về việc ăn nhiều đồ ngọt sẽ dẫn đến thừa cân béo phì, nhưng đồ ngọt chỉ là một trong số các yếu tố thôi, còn lại việc lười vận động mới là nguyên nhân, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì”.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, dù năng lượng nạp vào vượt khuyến nghị nhưng khẩu phần ăn của trẻ lại chưa đạt về thành phần, đặc biệt về tỉ lệ chất xơ, trẻ lại sử dụng quá nhiều protein, chất béo… Nghiên cứu này cũng cho thấy nhóm trẻ thừa cân béo phì có xu hướng tiêu thụ quá nhiều chất đạm.
Nhóm nghiên cứu đề nghị cần tạo cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối về thành phần dinh dưỡng, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hằng ngày cho trẻ.
Theo TS Từ Ngữ – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam: “Trong các giải pháp để giảm trẻ thừa cân béo phì, dinh dưỡng và vận động là hai giải pháp mà chúng ta có thể can thiệp, tác động, còn gen thì chúng ta không can thiệp được. Chúng ta nên tập trung vào hai vấn đề này: một là dinh dưỡng, hai là vận động”.