Chàng trai mê gym nhờ thanh tạ tự đúc

Nhờ thanh tạ bằng xi măng và lời động viên của bố, cậu thiếu niên mập ú Nguyễn Trung Bảo 10 năm trước giờ đã là huấn luyện viên thể hình có nhiều giải thưởng. 

“Ngày đó, gym không phổ biến nên không có phòng tập. Tôi chủ yếu bắt chước rồi tự tập ở nhà”, Bảo 26 tuổi, top 5 Men Physics của Liên đoàn Thể hình TPHCM, chia sẻ. Khi đó, chàng trai lớp 11 chỉ cao 1m62 nhưng nặng 80 kg. Bảo thường xem các chương trình thể hình trên TV, rồi mê lúc nào không hay, cậu nói với bố “mua đồ cho con tập”.

Một chiều đi học về, Bảo bất ngờ thấy một thanh tạ được đúc bằng xi măng để ngay ngắn, gọn gàng trong sân nhà. Cậu hứng chí lao vào định nhấc lên nhưng không thể nào nhấc được.

Kể từ đó Bảo đều đặn dành 30 phút đến một tiếng để tập luyện. Ngoài nâng tạ, anh còn tập chạy, hít xà đơn và chơi bóng đá, bóng chuyền. Việc tập luyện giúp anh cải thiện chiều cao. Sau một năm, Bảo cao lên 1m7 và giảm được 16 kg.

Càng tập càng đam mê, Bảo mạnh dạn nói với bố về ước mơ đi thi đấu thể hình và thành vận động viên chuyên nghiệp. “Khi nói ra điều này, Bảo cũng chưa biết mình sẽ bắt đầu như thế nào. Nhưng có bố ủng hộ, Bảo có thêm điểm tựa để phấn đấu”, anh kể.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai Đồng Nai 18 tuổi lên TP HCM để học thể hình. Anh xin vào làm các việc lặt vặt trong phòng tập kiếm thêm tiền và nhìn các huấn luyện viên tập luyện rồi tập theo.

Hiện tại, Bảo cao 1m70, cơ bắp vạm vỡ và tham gia thi đấu nhiều giải thể hình. Anh nói:Thể hình chuyên nghiệp là tương lai mà anh dùng toàn bộ công sức để đánh đổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Trung Bảo tham gia thi đấu nhiều giải thể hình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2014, Bảo lọt “mắt xanh” của một vận động viên thể hình và được nhận dạy học. Cuộc sống anh bước sang một trang mới.

Kiến thức đầu tiên Bảo nhận được là mỗi người đến với thể hình có nhiều mục đích khác nhau. Người muốn giảm cân, người muốn giảm mỡ, người muốn tăng lượng cơ bắp. Anh nhận ra môn này khó và đa dạng chứ không chỉ đơn giản là “nâng tạ, đu xà”. Bảo gần như học lại từ đầu, từ bài tập đơn giản như đứng tư thế đúng, chọn mức tạ phù hợp, chấn chỉnh lại thời gian tập và nâng dần mức tập, chứ không tập nặng từ buổi đầu. Anh tập trung theo huấn luyện của thầy, không chạy theo các bài quá đa dạng trên mạng.

Cùng với tập luyện, Bảo quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng. Anh tự nấu ăn để nạp đúng năng lượng cần cho cơ thể. Thời gian đầu phải dùng cân để cân thức ăn nhưng lâu dần thành thói quen, anh không mất nhiều thời gian cho dinh dưỡng nữa.

Theo Bảo, mỗi người sẽ có chế độ ăn riêng, có thể tham khảo vận động viên hoặc huấn luyện viên để áp dụng. Anh khuyên không nên ăn theo “bác sĩ Google” vì nhu cầu dinh dưỡng không ai giống nhau. “Ép bản thân ăn theo chế độ kém khoa học thực sự là cực hình, phản khoa học và sẽ khiến ta nhanh bỏ cuộc hơn”, Bảo chia sẻ kinh nghiệm.

Thời gian rảnh, Bảo cùng bạn bè tập luyện và trao đổi bài tập để hoàn thiện và cải thiện hình dáng đẹp hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời gian rảnh, Bảo cùng bạn bè tập luyện và trao đổi bài tập để hoàn thiện hình dáng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con đường thi đấu chuyên nghiệp của Bảo chia làm ba giai đoạn. Đầu tiên là tập để có cơ sắc nét nhưng không quá đồ sộ. Giai đoạn hai là tập để có body, cơ bắp chắc, to. Cuối cùng là tập để trở thành vận động viên biểu diễn chuyên nghiệp. Mỗi cuộc thi, Bảo tìm hiểu kỹ về thể loại, yêu cầu để chuẩn bị phù hợp, siết cơ cho đúng để khỏi “bị lạc đề”.

Năm 2016, Bảo lên sàn thi đấu. Ở mùa thi đấu đầu tiên, anh không có giải nhưng siết body thành công, bụng lộ sáu múi rõ nét. Một năm sau, Bảo giành được huy chương bạc thành phố và huy chương vàng giải body. “Mỗi mùa thi đấu, dù có giải hay không tôi học thêm nhiều kinh nghiệm và bài học cho bản thân”, Bảo nói.

Bảo đã đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi thể hình như huy chương vàng giải thể hình Bình Tân 2017, huy chương bạc Men Sport của giải Nabba, top 5 Men Physics do liên đoàn thể hình TP HCM tổ chức năm 2018.

Theo Bảo, tập gym như một cuộc chiến đấu thực sự với bản thân. “Sẽ có nhiều lúc bạn nản lòng, những cơn đau mỏi cơ khiến bạn bỏ cuộc và có 1001 lý do để các bạn nghỉ tập”, Bảo nói. Những lúc đó, anh nhìn lại những ngày đầu phải kiên trì vất vả thế nào mới được đi theo thể hình, để động viên bản thân.

Bảo chủ yếu dành hết thời gian ở phòng tập. Ngoài rèn luyện thể hình, anh còn hướng dẫn các bạn trẻ mới vào nghề, làm huấn viên cá nhân. Thời gian rảnh, anh cùng bạn bè trao đổi bài tập. Bảo kể, lúc nào bản thân cũng có lý do để đi tập: vui, tập; buồn cũng đi tập; mưa tầm tã vẫn đi tập. Biệt danh “mập” không còn, Trung Bảo nay đã trở thành chàng trai vạm vỡ, nổi bật giữa đám đông.

“Bây giờ tập phòng tốt, thiết bị đầy đủ chẳng thiếu gì nhưng thanh tạ xi măng năm ấy vẫn khiến mình nhớ mãi”, Bảo nói. “Xi măng hay tạ sắt không quan trọng bằng việc mình bước đến, cầm lấy rồi nâng lên, đặt xuống. Phải hành động thì ước mơ mới thành hiện thực”.

CHIA SẺ